Tài Liệu Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư đến Đảo Hoàng Tử Edward, Canada

Sức khỏe Tâm thần và Trạng thái Tinh thần Bình an

Sức khỏe tinh thần tốt phản ánh sự cân bằng và hài hòa về cảm xúc, tâm lý, tình cảm xã hội và tinh thần của bạn. Những người có sức khỏe tinh thần tốt cảm thấy mình làm được nhiều thứ, có thể đối phó với những tình huống căng thẳng, và có thể khôi phục lại trạng thái cân bằng sau khi đối mặt với những vấn đề hoặc tình huống khó khăn.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn

Trong cuộc sống hàng ngày có những điều đơn giản mà bạn có thể làm để cải thiện hoặc duy trì sức khỏe tâm thần và trạng thái tinh thần bình an của bạn. Dưới đây là một số gợi ý.

Tự chăm sóc bản thân. Chăm sóc cơ thể tốt có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn. Ăn các bữa ăn bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, uống nhiều nước, tập thể dục, ngủ đủ giấc và dành thêm thời gian hoạt động ngoài trời.

Hãy yêu bản thân. Hãy tôn trọng chính mình và dành thời gian cho bản thân cũng như cho những hoạt động mà bạn yêu thích. Hãy làm việc gì đó mà bạn có khả năng làm tốt. Hãy dành thời gian làm những việc mà bạn yêu thích, học hỏi hoặc tìm hiểu điều gì đó mới mẻ và mở rộng tầm nhìn của bạn.

Quan tâm đến người khác. Tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cuộc sống của người khác sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc hơn. Hãy tự nguyện dành thời gian và công sức của bạn để giúp đỡ người khác. Đó có thể là người thân, bạn bè hoặc những thành viên trong cộng đồng của bạn.

Từ bỏ thói quen cũ. Mặc dù những thói quen thường ngày thì hữu ích và có thể tạo cảm giác an toàn nhưng thỉnh thoảng thay đổi những thói quen đó lại tốt hơn cho não trạng của bạn. Việc này có thể đơn giản như thay đổi lộ trình đi lại thông thường hoặc chuẩn bị một bữa ăn với những món ăn mà trước đây bạn chưa bao giờ nấu.

Hãy tĩnh tâm. Có một số phương pháp thư giãn có thể cải thiện tâm trạng và cách thức nhìn nhận của bạn về cuộc sống. Hãy tìm phương thức phù hợp để bạn nghỉ ngơi thư giãn sau một ngày bận rộn một cách đều đặn. Có thể là ngồi thiền (meditation), chánh niệm (mindfulness), cầu nguyện (prayer) hoặc làm một điều gì đó đơn giản như tự thưởng thức một tách trà ưa thích.

Hãy yêu cầu được giúp đỡ khi bạn thấy cần thiết. Biết tìm kiếm sự trợ giúp là dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải là sự yếu đuối. Mọi người chúng ta cũng có đôi lúc cảm thấy quá sức chịu đựng của mình khi nhận thấy mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Nếu bạn cảm thấy mình không thể đối phó được, hãy chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Người thân hoặc bạn bè của bạn có thể là người chia sẻ và lắng nghe bạn hay đề nghị giúp đỡ bạn một cách hữu ích. Nếu những khó khăn hiện tại gây ra cho bạn sự phiền não đáng kể hoặc bạn cảm thấy không có một người nào trong cuộc sống của mình sẽ lắng nghe bạn, đừng ngần ngại nhờ sự trợ giúp của chuyên gia.

Việc Nhập cư và Sức khỏe Tâm thần

Hầu hết người nhập cư đến Canada đều có khả năng tìm ra các điểm mạnh của bản thân, văn hóa, và xã hội cũng như kết hợp được với các nguồn tài nguyên hiện hữu trong cộng đồng của mình để vượt qua nghịch cảnh trong những thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên, việc đến sống ở một đất nước khác và nhiều thay đổi lớn khác trong cuộc sống sẽ mang đến những thách thức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mỗi cá nhân. Những thay đổi như dưới đây có thể khiến chúng ta cảm thấy chán nản và vô vọng:

  • xa cách gia đình và bạn bè còn ở lại trong nước
  • phải giao tiếp bằng ngôn ngữ mà bạn không hiểu rõ, hay thậm chí hoàn toàn không hiểu
  • nhìn, nghe, trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau và những cách làm khác nhau

Nếu bạn là người tị nạn, có thể bạn đã trải qua những sự kiện đau thương trước khi đến Canada mà điều này lại có thể làm cho bạn khó ứng phó hơn với những thay đổi. Cảm giác khỏe mạnh, an toàn, sự tự tin và niềm tin của bạn có thể bị lung lay.

Ngoài ra, khi đến Canada, người nhập cư có thể phải đối mặt với những thách thức khác như sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, những khó khăn về tài chính hoặc không có nhà ở phù hợp. Một số gia đình lại gặp khó khăn với chính sách nhập cư khiến cho họ khó có thể đoàn tụ với các thành viên gia đình ở quê nhà. Những tình huống này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và trạng thái tinh thần của họ.

Với sự hỗ trợ phù hợp, người nhập cư có thể vượt qua những thách thức này và trở thành những cá nhân và gia đình có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và làm được nhiều việc hiệu quả.

Vì những nhận thức tiêu cực có liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần, đối với nhiều người, đây chính là việc nhận biết và vượt qua sự e ngại khi tìm cách giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần.

Chứng Khủng hoảng Sức khỏe Tâm thần

Chứng khủng hoảng sức khỏe tâm thần là tình huống khi người bệnh gặp khó khăn trong việc suy nghĩ và/hoặc kiểm soát hành vi của mình và/hoặc không thể kiềm chế được cảm xúc của họ.

Nếu bạn hoặc một người nào đó mà bạn biết bị khủng hoảng sức khỏe tâm thần, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.

Các Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Nguồn lực Hỗ trợ ở PEI

Ở PEI, có rất nhiều loại dịch vụ sức khỏe tâm thần dành cho bất kỳ ai cần trợ giúp. Các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp ở các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tổ chức cộng đồng và các trường học, hỗ trợ trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua internet.

Nếu bạn cần trợ giúp về sức khỏe tâm thần, cách tốt nhất để bắt đầu là đến phòng khám không cần hẹn trước (walk-in clinic) hay gọi đường dây trợ giúp. Một bác sĩ tâm thần, một chuyên viên tư vấn, hoặc một nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp sẽ nói chuyện với bạn, và nếu cần thiết, sẽ giới thiệu bạn đến với một chương trình hoặc dịch vụ được thiết kế riêng để giải quyết một vấn đề cụ thể.

Nếu bạn cần một thông dịch viên để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tùy thuộc vào dịch vụ mà bạn đang sử dụng, hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể cung cấp cho bạn một người phiên dịch hoặc bạn có thể yêu cầu dịch vụ phiên dịch thông qua PEIANC.

Phòng khám Sức khỏe Tâm thần Không cần hẹn trước

Phòng khám sức khỏe tâm thần không cần hẹn trước hỗ trợ tức thời nhằm giúp bạn giải tỏa lo âu, cũng như vượt qua các sự cố cuộc sống gây căng thẳng và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần. Bạn không cần phải đặt lịch hẹn trước hoặc phải có giấy giới thiệu đến Phòng khám. [Xem Nguồn Tham Khảo Liên Quan]

Đường dây Điện thoại Trợ giúp của Đảo (Island Helpline)

Đường dây Điện thoại Trợ giúp của Đảo có thể giúp những người trong tình huống bị khủng hoảng, bao gồm tình trạng cảm thấy bị xã hội cô lập, căng thẳng và lo lắng, bị lạm dụng (thể chất, tình dục và cảm xúc), trầm cảm, nghiện rượu và chất kích thích, có ý nghĩ tự sát, v.v. Đường dây Điện thoại Trợ giúp hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm. Đây là dịch vụ điện thoại miễn phí bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, được bảo mật và không mang tính phán xét.

Khi bạn gọi tới Đường dây Điện thoại Trợ giúp của Đảo (Island Helpline), một chuyên viên tận tâm và tốt bụng đã được đào tạo về can thiệp khủng hoảng sẽ trả lời điện thoại. Họ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giải tỏa cảm xúc, giải quyết vấn đề và can thiệp khủng hoảng, và đồng thời họ còn có thể cung cấp thông tin về các nguồn tài nguyên và dịch vụ hỗ trợ trong cộng đồng tại địa phương. [Xem Nguồn Tham Khảo Liên Quan]

Đường dây Tư vấn Bảo vệ Trẻ em (Kids Help Phone)

Đường dây Tư vấn Bảo vệ Trẻ em (Kids Help Phone) là dịch vụ hỗ trợ 24/7 (24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần) trên toàn quốc dành cho thanh thiếu niên đang gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống. Đường dây cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, cung cấp thông tin và giới thiệu, và hỗ trợ theo dạng văn bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Các chuyên gia tư vấn có nền tảng giáo dục và kinh nghiệm chuyên môn đa dạng và có kiến thức về nhiều lĩnh vực bao gồm cả về sức khỏe tâm thần và trạng thái tinh thần của thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên có thể tìm kiếm trợ giúp bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, sử dụng ứng dụng di động hoặc thông qua trang web Kids Help Phone. [Xem Nguồn Tham Khảo Liên Quan]

Tư vấn Tâm lý gia đình của PEIANC (PEIANC Family Counselling)

Là một phần trong số các Dịch vụ Hỗ trợ Học Tập ở Bậc Phổ Thông (Youth Settlement Services), PEIANC cung cấp dịch vụ tư vấn giúp các gia đình mới nhập cư giải quyết các vấn đề tâm lý và môi trường có thể có tác động tiêu cực đến quy trình thích ứng và ổn định cuộc sống, sức khỏe tâm thần, thành công trong học và hòa nhập.

Chuyên viên Tư vấn Tâm lý Gia đình cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên và các gia đình bằng cách tạo ra môi trường an toàn, bảo mật và hỗ trợ để trao đổi thảo luận các vấn đề. Chương trình thực thi thông qua các hoạt động can thiệp cá nhân hoặc trong các nhóm hỗ trợ quy mô nhỏ.

[Xem Nguồn Tham Khảo Liên Quan]

Các Nguồn Tham khảo Liên quan

Các Dịch vụ và Nguồn Tài nguyên Liên quan đến Sức khỏe Tâm thần ở PEI

Có phải bạn hay một người nào đó mà bạn biết đang bị khủng hoảng, trầm cảm hay nghĩ đến việc tự sát?

Hãy Gọi tới Đường dây Điện thoại trợ giúp của Đảo (Island Helpline) tại
1-800-218-2885

Có phải bạn đang ở độ tuổi thanh thiếu niên và bị lạm dụng hay đang gặp bất kỳ tình huống khó khăn nào khác?

Hãy Liên hệ
Đường dây Tư vấn Bảo vệ Trẻ em (Kids Help Phone)

Thông tin thêm

Các nguồn tham khảo sau đây được Cơ quan Di trú của Nova Scotia (ISANS) biên soạn chỉ bằng tiếng Anh. Cùng với thông tin tổng quan về sức khỏe tâm thần, những trang này có chứa các đường dẫn liên kết đến các nguồn tài nguyên tham khảo đang có ở Nova Scotia. Để tìm kiếm sự trợ giúp ở PEI, vui lòng tham khảo các đường dẫn được đề cập ở trên.

Mental Health and Well-Being Service Information

Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi số 911
911

Giấy Phép Bản Quyền Tài Sản Sáng Tạo Công Cộng
Tài liệu Hướng dẫn Trực tuyến dành cho Những người mới nhập cư đến Đảo Hoàng tử Edward, Canada © của Hiệp hội Hỗ trợ Người Nhập cư & Người Tị nạn đến PEI (IRSA) được đăng ký bản quyền theo Giấy phép sử dụng tác quyền mở Creative Commons Attribution - Phi thương mại 3.0 Không chuyển nhượng.
MMX

Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để đảm bảo thông tin trong Tài Liệu Hướng Dẫn này là chính xác và luôn được cập nhật. Nếu bạn tìm thấy bất kỳ lỗi sai hay thiếu sót nào, hãy liên hệ với chúng tôi.